Tuesday 24 April 2018

Con trai cố vấn Mỹ tử trận ở Việt Nam trò chuyện cùng RFA Diễm Thi, RFA

Ông Robert Celeste bên mộ cha, Major Raymond Celeste, tại nghĩa trang West Point, New York tháng 5/2017.
Ông Robert Celeste bên mộ cha, Major Raymond Celeste, tại nghĩa trang West Point, New York tháng 5/2017.
 RFA photo

















Chiến tranh Việt Nam kết thúc đến nay đã hơn 40 năm. Nhân dịp 30 tháng tư năm nay, RFA có cuộc trò chuyện với ông Robert Celeste, con trai út của Major Raymond Celeste, cố vấn cao cấp tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, người tử trận tại Núi Thọ, Quảng Ngãi sáng sớm ngày 22/11/1965.
Khi cha mất, Robert mới chỉ ba tuổi nhưng hình bóng người cha chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông suốt 53 năm qua. Và cũng vì cái chết của người cha mà ông tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam. Hôm nay ông sẽ chia sẻ những suy nghĩ của ông về cuộc chiến này.
Diễm Thi: Chúng tôi rất vui khi ông có mặt tại đây hôm nay. Trước hết tôi xin chia buồn với ông về nỗi đau mất cha. Ông nhớ gì về cha của mình, về lần cuối cùng ông gặp cha, lần cuối cùng ông được nghe về cha?
Robert Celeste: Cảm ơn (RFA) đã mời tôi đến đây. Đây là một vinh dự của tôi. Về câu hỏi vừa rồi thì lần cuối cùng tôi gặp cha tôi là ở căn cứ quân sự Fort Benning Georgia khi ông lên đường đi Việt Nam. Tại sân bay có mẹ tôi, anh trai tôi và tôi. Cha tôi ôm tạm biệt tất cả chúng tôi và chúng tôi nhìn ông bước lên máy bay để đi Việt Nam. Tôi vẫn nhớ nét mặt của cha tôi lúc quay lại nhìn chúng tôi lần cuối trước khi bước đi. Ông không để lộ cảm xúc gì hết. Đó là lần cuối cùng tôi thấy ông. Trong suốt thời gian ở Việt Nam (khoảng 3 tháng) ông đã viết cho hai anh em tôi tổng cộng 7 lá thư.
Diễm Thi: Ông đã bao giờ về thăm lại nơi cha ông tử trận ở Việt Nam chưa?
Robert Celeste: Tôi chưa được đến đó bao giờ nhưng tôi biết nó ở làng Thạch Trụ, tỉnh Quảng Ngãi, rất gần với Biển Đông. Nhiều người lính từng đóng quân ở đó gửi cho tôi những tấm ảnh về chiến trường và khu vực nơi cha tôi tử trận. Tôi lưu giữ tất cả.
Diễm Thi: Ông biết gì về cái chết của cha ông?
Robert Celeste: Tôi biết về trận đánh qua một cuốn sách được ghi chép lại. Theo đó thì Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân (BĐQ) với 465 binh sĩ bị tấn công bởi một trung đoàn Quân chính quy cộng sản Bắc Việt với 1500 lính, nhưng họ vẫn chiến thắng và được tưởng thưởng huân chương cao quý nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Johnson (United States Presidential Unit Citation). Cha tôi bị một người lính Bắc Việt bắn chết trên núi Thọ khoảng 6 giờ sáng ngày 22/11/1965.
Diễm Thi: Nhiều ý kiến cho rằng những sự hy sinh như thế là ‘uổng phí’; nhưng theo ông thì sao?
rob.jpg
Major Raymond Celeste, cố vấn cao cấp tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân VNCH. Hình do ông Robert Celeste gửi RFA.
Robert Celeste: Trước hết tôi nghĩ tự do luôn là giá trị để chiến đấu. Cha tôi ý thức rất mạnh mẽ về trách nhiệm và cam kết rằng phải hoàn thành nghĩa vụ để người dân miền Nam Việt Nam tự định đoạt vận mệnh của mình. Cha tôi tốt nghiệp học viện West Point. Ông là một người lính có trách nhiệm và chuyên nghiệp.
Ông từng tình nguyện đi Việt Nam 3 lần nhưng đều bị từ chối. Lần sau cùng ông đích thân đến Pentagon thuyết phục cho ông được làm nhiệm vụ ở Việt Nam. Và khi đến Sài Gòn, ông nhận nhiệm vụ là cố vấn cao cấp của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Diễm Thi: Chính phủ Hà Nội vào những dịp 30/4 vẫn nói với người dân của họ đó là một chiến thắng vang dội trước một đế quốc hùng mạnh là Mỹ. Theo ông nên đánh giá thế nào cho công bằng đối với mọi người từ hai phía?
Robert Celeste: Đó là một cuộc chiến tranh rất phức tạp và bị hạn chế. Phức tạp bởi chúng ta không chỉ chiến đấu với quân đội Bắc Việt mà còn cả Trung Quốc và Liên Xô, hai nước tài trợ cho Bắc Việt trong cuộc chiến. Hạn chế vì lúc đó Trung Quốc và Nga đã có vũ khí hạt nhân.
Trong chiến tranh, Miền Nam Việt Nam tổn thất khoảng 275.000 lực lượng vũ trang, 465.000 thường dân. Số tổn thất phía Bắc Việt cũng lên tới 3,6 triệu người.
Sau chiến tranh, thì có khoảng 250.000 người chết trong các trại cải tạo; không biết bao nhiêu người chết trên đường vượt biển; khoảng hai triệu người phải bỏ nước ra đi và người dân không được hưởng quyền tự do như họ được hưởng ở miền Nam trước đó.
Với những tổn thất như vậy ở cả hai phía và thêm vào đó Bắc Việt vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris được ký năm 1973 thì tôi không nghĩ đây là một chiến thắng.
Diễm Thi: Tổng thống Donald Trump ra quyết định ngày 29 tháng 3 là Ngày vinh danh Cựu Chiến Binh Cuộc Chiến Việt Nam (National Vietnam War Veterans Day), ông muốn gửi thông điệp gì đến với những cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam, và những người con mất cha như ông?
Robert Celeste: Tôi rất tự hào về các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam với những hy sinh của họ. Tôi cũng rất tự hào về các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và thương cảm cho những người lính bị kẹt lại ở Việt Nam vì họ không được chăm sóc y tế tốt như chúng ta ở đây. Vì vậy, tôi cảm thấy rất đau buồn cho gia đình của họ cũng như gia đình của 58.000 người Mỹ bị giết ở Việt Nam.
Còn với những người mất cha trong chiến tranh thì tôi muốn nói rằng hãy tự hào với sự hy sinh của người Cha khi đấu tranh cho tự do. Cuộc chiến tranh Việt Nam là một phần của cuộc chiến tranh lạnh mà chúng ta phải chiến đấu từ những năm 1945 đến năm 1991.
Diễm Thi: Cám ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.