Monday 20 November 2017

Bắc Kinh muốn siết chặt quan hệ với Bình Nhưỡng, bất chấp hồ sơ nguyên tử

Thụy My

media
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh chụp màn hình websiteexpress.co.uk)(Capture d'image express.co.uk)

Tình hữu nghị lâu dài giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là một « tài sản vô giá » đối với nhân dân hai nước. Bắc Kinh đã tuyên bố như trên về cuộc gặp gỡ hôm qua 17/11/2017 tại Bình Nhưỡng giữa đặc sứ Tống Đào (Song Tao) và một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên, và không hề nêu cuộc khủng hoảng do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng gây ra.

Trong thông cáo ngắn được báo chí Trung Quốc công bố hôm nay, Ban liên lạc đối ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết trưởng ban là ông Tống Đào, thay mặt chủ tịch Tập Cận Bình, đã hội đàm với đại diện Bắc Triều Tiên Choe Ryong Hae tại Bình Nhưỡng. Tống Đào đã thông báo kết quả Đại hội Đảng 19, và hai bên đã thảo luận về quan hệ Trung-Triều.

Thông cáo cho biết đôi bên « khẳng định tình bằng hữu lâu đời đã được các cựu lãnh đạo hai nước xây dựng và bồi đắp, là tài sản vô giá (…). Hai bên cần chung sức đào sâu quan hệ, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước ».

Bản thông cáo của Bắc Kinh không hề nhắc đến chương trình vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên, mà Trung Quốc và thế giới đều phản đối. Còn hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA loan báo ông Tống Đào đã thông báo « chi tiết » về Đại hội 19, nhấn mạnh ý hướng của Trung Quốc nhằm duy trì và phát triển tình hữu nghị lâu dài Trung-Triều.

Thời gian lưu lại Bình Nhưỡng của ông Tống Đào, cũng như việc đặc sứ của Tập Cận Bình có gặp gỡ Kim Jong Un hay không, đều không được thông báo. Hôm qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã từ chối trả lời

AFP dẫn nhận định của chuyên gia Yuan Jingdong, trường đại học Sydney, rằng không nên chờ đợi kết quả nào đáng kể của chuyến đi này, có thể chỉ là những cam kết chung chung.

Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington còn cho rằng « Trung Quốc không hề có ảnh hưởng gì đối với chính trị Bắc Triều Tiên, quan hệ đôi bên hết sức căng thẳng ». Một số nhà quan sát khác đoán rằng Bắc Kinh chỉ có thể khuyến dụ Bình Nhưỡng đừng leo thang, chứ không phải giải trừ hạt nhân

Tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho rằng việc Bắc Kinh gởi đặc sứ đến Bình Nhưỡng là « một động thái quan trọng », và kêu gọi Trung Quốc tăng cường áp lực lên Bắc Triều Tiên.
Hôm qua ở Genève, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Han Tae Song đã bác bỏ mọi thương lượng với Washington về chương trình nguyên tử và đạn đạo của Bình Nhưỡng. Chính quyền Bắc Triều Tiên đưa ra điều kiện là Hoa Kỳ phải từ bỏ chính sách thù địch và chấm dứt các cuộc tập trận nhắm vào Bình Nhưỡng.

Trung Quốc tung ra lượng tiền lớn trước căng thẳng nợ nần

Thụy My 
media
Logo của Ngân hàng Trung Quốc tại một hội nghị ở Canada, 19/10/2017.REUTERS/Chris Helgren/File Photo

AFP hôm 17/11/2017 cho biết Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) tuần này đã bơm số tiền tương đương 104 tỉ euro vào hệ thống tài chính, lớn nhất từ 10 tháng qua, nhằm đối phó với lãi suất trái phiếu tăng.

Trong thông cáo, PBOC giải thích muốn « duy trì ổn định tình trạng tiền mặt của hệ thống ngân hàng ». Theo các chuyên gia, chủ yếu là nhằm trấn an thị trường, sau khi lãi suất trái phiếu Nhà nước kỳ hạn 10 năm hôm thứ Ba 14/11 đã tăng lên 4%, lần đầu tiên từ ba năm qua.

Việc lãi suất tăng là hệ quả của tình trạng trái phiếu bị bán ra ồ ạt, do các nhà đầu tư thiếu tin tưởng vào sức khỏe của nền tài chính Trung Quốc và viễn cảnh chính sách tiền tệ bị siết lại. Theo các nhà phân tích của Moody’s Investor Service, PBOC muốn cung cấp cho các ngân hàng số tiền mặt mà nay họ phải vất vả mới huy động được trên thị trường.

Nhằm kìm hãm các nguy cơ về tài chính liên quan đến số nợ công và tư khổng lồ, Bắc Kinh cố gắng làm giảm bớt nợ xấu của các ngân hàng, bóp nghẹt « tín dụng đen », siết chặt đầu cơ địa ốc và giảm chi tiêu công trong lãnh vực cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc, vốn không đề ra chỉ tiêu tăng trưởng sau năm 2020, dường như sẵn sàng chấp nhận một tỉ lệ khiêm tốn hơn để tái cơ cấu lại nền kinh tế.

HRW lên án ‘‘trị liệu sốc’’ với người đồng tính tại Trung Quốc

Trọng Thành

media
Một cuộc tuần hành vì quyền của người đồng tính ở Hong Kong năm 2011.AFP PHOTO / Dale de la Rey

France 24 dẫn lại một báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công bố hôm 15/11/2017, cho hay chính quyền Trung Quốc tiếp tục làm ngơ cho trước việc sử dụng « các trị liệu sốc » nhắm vào những người đồng tính, để buộc họ phải thay đổi định hướng tính dục của mình.
Các « trị liệu sốc » nói trên bao gồm các biện pháp như các buổi sốc điện, nhục mạ, chửi bới hay dùng thuốc tâm thần, vốn dành cho những người bị bệnh trầm cảm hay hưng trầm cảm. Các nạn nhân bị giam giữ tại các trung tâm y tế hay bệnh viện.

Tổng cộng 17 người đã chấp nhận làm nhân chứng với HRW, về vấn đề nhạy cảm này. Tất cả đều nhấn mạnh đến các áp lực gia đình và xã hội mà họ phải chịu đựng.

Anh Zhang Zhikun, một nhân chứng, kể lại : « Các bác sĩ cho tôi xem các hình ảnh người đồng tính khỏa thân, cùng lúc đó, một nữ y tá tiêm một chất lỏng…, thường là ở tay tôi. Tôi cảm thấy cơ thể ngay lập tức bỏng rát. Tôi cảm thấy buồn nôn trong suốt buổi điều trị… Tôi cảm thấy đau đầu, nhưng các bác sĩ… buộc tôi tiếp tục theo dõi màn hình ». «Những người trị liệu » nói với Zhang Zhikun đồng tính luyến ái là bệnh hoạn, vô đạo đức, và nguy hiểm cho sức khỏe.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh đã rút đồng tính luyến ái khỏi danh sách các tội phạm trong bộ luật hình sự, vào năm 1997, và rút khỏi danh sách các bệnh tâm thần vào năm 2001. Và kể từ năm 2013, luật về sức khỏe tâm trí yêu cầu y bác sĩ – trong các chẩn đoán và điều trị - tôn trọng các quyền căn bản của mỗi cá nhân và phẩm giá con người.

Báo cáo điều tra của HRW một lần nữa cho thấy khoảng cách rất lớn giữa lời nói và việc làm tại Trung Quốc. Trên thực tế, theo HRW, chính quyền nước này đã không hề có biện pháp nào để ngăn cản các cơ sở y tế hay các nhân viên ngành y trong các trị liệu nhằm thay đổi định hướng tình dục.
Về phía các nạn nhân, đa số không dám khiếu nại, vì lo ngại định hướng tình dục cá nhân được cả xã hội biết đến.